HIẾN MÁU VÀ NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN
21/04/2019 05:07
HIẾN MÁU CÓ LỢI CHO SỨC KHỎE - Một lần hiến máu là một lần kiểm tra định kỳ, theo dõi sức khỏe - Một lần gửi máu vào ngân hàng máu, sẽ được bồi hoàn máu miễn phí khi cần - Hiến máu làm giảm quá tải sắt dư thừa trong cơ thể. - Hiến máu làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ tim mạch
HIẾN MÁU VÀ NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

1.  Nhu cầu máu cho điều trị

Hằng năm, trên thế giới cần tối thiểu 140 triệu đơn vị máu (khoảng 2% dân số) phục vụ cho điều trị, cấp cứu và dự phòng thảm họa. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới mới chỉ tiếp nhận được khoảng 112 triệu đơn vị máu. Tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 2 triệu đơn vị máu.

2.  Những trường hợp cần truyền máu

-  Máu cần cho cấp cứu và điều trị hằng ngày. Theo Hiệp hội truyền máu Hoa Kỳ, cứ 10 người khỏe mạnh thì 8 người có nguy cơ cần được truyền máu.

-  Những trường trường hợp thường phải truyền máu cấp cứu với số lượng lớn như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, các tai biến sản khoa…

-  Những người bệnh phẫu thuật cần truyền máu như: phẫu thuật cắt dạ dày, phẫu thuật gan mật, phẫu thuật tim mạch…

-  Những bệnh nhân bị bệnh máu như: ung thư máu, suy tuỷ xương, xuất huyết giảm tiểu cầu, Thalassemia (tan máu bẩm sinh)… đặc biệt là những người bệnh bị mắc bệnh Hemophilia (bệnh ưa chảy máu do di truyền).

-  Nhiều loại bệnh khác như: chạy thận nhân tạo, thiếu máu do giun móc, hội chứng rối loạn sinh tuỷ, xuất huyết tiêu hoá, suy thận….

3.  Máu và thành phần, chức năng của máu gì?

Máu là một chất lỏng lưu thông trong các mạch máu của cơ thể. Lượng máu có trong mỗi người  tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể (khoảng 70ml máu/kg cân nặng). Mỗi lần hiến dưới 9ml máu/kg,  không hiến quá 500ml/ngày là không ảnh hưởng tới sức khỏe. Như vậy, một người 45kg có khoảng trên 3.500ml máu và có thể hiến 350ml máu mà không ảnh hưởng tới sức khỏe

Máu và chế phẩm máu là một loại thuốc điều trị đặc biệt, chỉ có thể được lấy từ người. Máu gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần làm nhiệm vụ khác nhau:

-  Hồng cầu làm nhiệm vụ chính là vận chuyển oxy;

-  Bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể;

-  Tiểu cầu tham gia vào quá trình đông cầm máu.

-  Huyết tương: gồm nhiều thành phần khác nhau: kháng thể, các yếu tố đông máu, các chất dinh dưỡng...

4.  Hiến máu không có hại cho sức khỏe

-  Hiến máu phải theo hướng dẫn, quy định: về tuổi, cân nặng; đáp ứng được các yêu cầu về mạch, huyết áp, lượng huyết sắc tố, đủ thời gian  giữa các lần hiến máu... Người hiến máu có đủ nhận thức cơ bản về HMTN, trên cơ sở tự nguyện, không có vụ lợi, không sức ép.

-  Hiến máu tuân thủ đúng các quy định y tế và phù hợp với các cơ sở sinh lý máu là: hiến lượng máu phù hợp với sức khỏe, cân nặng của bản thân. Theo nghiên cứu khoa học, máu thường xuyên được thay thế, vậy nên cơ thể luôn có thể bù đắp lại lượng máu trong mỗi lần hiến nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống cơ quan.

-  Thực tế trên thế giới có trên 80 triệu người tham gia hiến máu; nước ta có gần 1 triệu người HMTN. Rất nhiều người đã hiến trên 100 lần, sức khỏe hoàn toàn bình thường. 

5.  Hiến máu có lợi cho sức khoẻ

Kiểm tra định kỳ, theo dõi sức khỏe: Hiến máu cũng là một cách kiểm soát sức khoẻ định kỳ cho người hiến máu. Khi tham gia hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra mạch, huyết áp, lượng hồng cầu trong máu, vi rút viêm gan B.

Một lần gửi máu vào ngân hàng máu: khi người hiến máu cần nhận máu, họ sẽ được bồi hoàn máu miễn phí. Như vậy, hiến máu vừa cứu người, vừa là cách “bảo hiểm” sức khỏe cho chính mình.

Hiến máu làm giảm quá tải sắt: Đây là một lợi ích sức khoẻ quan trọng của hiến máu. Theo các nghiên cứu, hiến máu làm giảm lượng sắt dư thừa và những người hiến máu thường xuyên sẽ giảm quá tải sắt trong cơ thể.

Hiến máu làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ tim mạch: Theo y học, lượng sắt dư thừa là tác nhân trong việc gây ra các bệnh lý tim mạch. Đây là vấn đề rắc rối ở tất cả đàn ông và những phụ nữ mãn kinh, riêng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở thì loại bỏ một phần lượng sắt dư thừa qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Vậy nên hiến máu khi tuổi còn trẻ thì việc giảm dự trữ sắt có ảnh hưởng tích cực tới việc giảm tỷ lệ các cơn đột quỵ tim mạch. Điều này càng rõ rệt ở những người hiến máu thường xuyên: sau 10 năm tỷ lệ các vấn đề tim mạch là 6,3 % ở người hiến máu và là 10,5% ở nhóm không hiến máu.

 

TIÊU CHUẨN THAM GIA HIẾN MÁU

(Trích Thông tư số 26/2013/TT –BYT ngày 16 tháng 9 năm 2013 của Bộ Y tế)

1.  Ai có thể tham gia hiến máu?

-  Người tình nguyện hiến máu tuổi từ 18 - 60 tuổi với cả nam và nữ

-  Cân nặng ≥ 45kg đối với nam và ≥ 42kg đối với nữ.

-  Khoảng thời gian giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần.

-  Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác như viêm gan B, viêm gan C.

-  Người không có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày…

2.  Máu sau khi hiến sẽ được làm những xét nghiệm gì?

-  Tất cả những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu (OAB-Rh), HIV, Virus viêm gan B, Virus viêm gan C, Giang mai, Sốt rét.

-  Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên.

3.  Những lưu ý trước và sau hiến máu:

v Trước khi hiến máu:

-  Trước ngày hiến máu không thức quá khuya, không uống rượu bia.

-  Nên ăn nhẹ trước khi hiến máu, không ăn đồ ăn có nhiều đường, mỡ.

-  Mang theo chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân (có ảnh và ngày tháng năm sinh) khi đi HM (điều 7 quy định: Người hiến máu phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng minh quân đội, công an, giấy phép lái xe, thẻ công tác, thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy xác nhận nhân thân do cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp).

v Sau khi hiến máu:  

-  Bạn cần uống nhiều nước sau khi hiến máu. Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế.

-  Hãy giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường. Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn. Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa, dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.

-  Tránh các hoạt động, các trò chơi mang tính đối kháng, đòi hỏi nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia trong 1-2 ngày đầu sau khi hiến máu. 

 

QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

(Trích Thông tư số 05/2017/TT –BYT ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bộ Y tế)

1.  Người hiến máu được khám, tư vấn sức khoẻ, được kiểm tra các xét nghiệm: Huyết sắc tố, Viêm gan B ngay trước khi hiến máu.

2.  Người hiến máu tình nguyện sẽ được nhận:

-       Suất ăn tại chỗ trị giá là 30.000 đồng/người hiến máu.

-       Quà tặng bằng hiện vật tương đương:

  • Người tình nguyện hiến thể tích máu 250 ml nhận quà trị giá 100.000 đồng;
  • Người tình nguyện hiến thể tích máu 350 ml nhận quà trị giá 150.000 đồng;
  • Người tình nguyện hiến thể tích máu 450 ml nhận quà trị giá 180.000 đồng.

-       Khoản kinh phí hỗ trợ đi lại là 50.000 đồng/người hiến máu.

3.  Nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.

4.  Được xét nghiệm nhóm máu (hệ A,B,O và Rh); Các virut lây qua đường truyền máu: HIV, Viêm gan B, Viêm gan C, Giang mai và sốt rét.

5.  Người hiến máu sẽ được bồi hoàn máu tối đa bằng số lượng máu đã hiến tại các bệnh viện công lập trên toàn quốc, ngoài ra người hiến máu được ưu tiên trong việc nhận máu khi cần truyền máu.

6.  Người hiến máu sẽ được tôn vinh, biểu dương theo quy định.

 

HỖ TRỢ CHO ĐƠN VỊ THỰC HIỆN CÔNG TÁC
VẬN ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC HIẾN MÁU

(Thông tư số 182/2009/TT-BTC ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính)

Bộ Tài chính quy định mức chi bình quân tối đa hỗ trợ cho đơn vị thực hiện công tác vận động và tổ chức là 50.000 đồng/người hiến máu. Nội dung và mức chi này được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 182/2009/TT-BTC ngày 14 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính.

Những nội dung thực hiện của đơn vị phối hợp tổ chức hiến máu bao gồm:

1.  Thực hiện các hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện (in ấn tài liệu, banner, băng rôn, phông sân khấu, truyền thông trên hệ thống loa phát thanh...) để truyền thông rộng rãi tới cộng đồng về HMTN.

2.  Lập danh sách, cập nhật thường xuyên số lượng người đăng ký hiến máu tình nguyện.

3.  Thực hiện khen thưởng, động viên kịp thời cho những đơn vị, cá nhân vận động được nhiều người hiến máu.

4.  Chuẩn bị địa điểm, sắp xếp bàn ghế, trang bị âm thanh, thiết bị, điện nước phù hợp với quy mô buổi tổ chức hiến máu và số đơn vị máu tiếp nhận.

5.  Bố trí nhân lực hỗ trợ công tác hướng dẫn, chăm sóc người hiến máu theo đề nghị của bên tiếp nhận máu.

6.  Hoàn thiện thủ tục chứng từ thanh toán.

-         Hợp đồng phối hợp tổ chức hiến máu (theo mẫu)

-         Thanh lý hợp đồng (theo mẫu)

-         Phiếu thu nhận kinh phí.

 

CÁC BƯỚC CƠ BẢN TỔ CHỨC HIẾN MÁU TẠI MỘT ĐƠN VỊ

Bước

Các bước thưc hiện

Nội dung liên quan

B1

 

1. Thống nhất kế hoạch tổ chức với đơn vị tiếp nhận máu

2. Xin phê duyệt kế hoạch

B2

 
  1. Tổ chức hội nghị triển khai
  2. Tổ chức vận động và tuyên truyền trực quan
  3. Lập danh sách đăng ký hiến máu
  4. Chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm tổ chức
  5. Thống nhất quy trình hiến máu

B3

 
  1. Phối hợp tổ chức hoạt động trong ngày HM
  2. Tham gia chăm sóc người hiến máu
  3. Hỗ trợ viết giấy chứng nhận cho người HM
  4. Cập nhật, đôn đốc người tham gia hiến máu
  5. Hoàn thiện các thủ tục chứng từ

B4

 
  1. Tổng kết, đánh giá, kế hoạch đợt tiếp theo
  2. Cảm ơn ban lãnh đạo và người hiến máu

 

Đăng ký danh sách hiến máu ngày 08/05/2019 xin gửi về:

Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện Huyện Thạch Hà - Tỉnh Hà Tĩnh

Đơn vị thường trực: Hội Chữ thập đỏ huyện Thạch Hà

Địa chỉ: Số 34- đường Lý Tự Trọng - Thị trấn Thạch Hà - huyện Thạch Hà - Tỉnh Hà Tĩnh

Số điện thoại CQ: 023.93.845.466; Email: chuthapdoth@gmail.com

Số di động : 

1. Đồng chí  Hằng -  Chủ tịch Hội CTĐ:            0948.676.071 

2. Đồng chí Thanh -  Phó chủ tịch Hội CTĐ:    0913.758.188

2. Đồng chí  Vân Hà     - CB phụ trách:            0916.441.379 - 0889.412.006

3. Đồng chí  Quỳnh - Kế toán:                         0916.918.648



Tác giả: TH - Nguồn: Viện Huyết học TW