SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cuộc sống khó khăn đã rèn giũa, hun đúc nên cốt cách người dân Việt Nam yêu lao động, chăm chỉ cần cù, có khát vọng tự do, độc lập, ý chí kiên cường bất khuất, lòng yêu nước thiết tha, căm thù quân xâm lược. Và chính cuộc sống khó khăn đó cũng đã hun đúc nên lòng nhân ái, tính nhân văn của dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đùm bọc yêu thương, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).

Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.

Ngày 23/11/1946,  Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập.

Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm tới khi Người qua đời, Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son sáng chói đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.

Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4/11/1957, cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Bước vào thời kỳ mới, kế thừa và phát huy những thành tích mà toàn Hội đã đạt được trong những năm qua, để nâng cao hình ảnh, vị thế Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong nước và trên trường quốc tế, Hội phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành Hội quốc gia vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo của đất nước, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức và tình huống trong công tác nhân đạo, tiếp tục đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.  

 LỊCH SỬ HÌNH THÀNH,

PHÁT TRIỂN CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ THẠCH HÀ

Cuối năm 1979, sau những trận bão lụt gây thiệt hại to lớn nghiêm trọng về người và của; được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền huyện và Hội CTĐ cấp trên, UBND huyện Thạch Hà quyết định chuyển chức năng Ban tiếp nhận viện trợ của huyện thành Ban vận động thành lập Hội CTĐ và lấy ngày 23 tháng 11 năm 1979  thành lập Hội Chữ thập đỏ huyện Thạch Hà,

 Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Thạch Hà ngày một lớn mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới quê hương.

Với những thành quả đạt được trong 40 năm qua, nhất là từ ngày tách tỉnh đến nay, Hội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý khác xứng đáng với vai trò là‘‘ nòng cốt trong hoạt động nhân đạo „ góp phần đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh nhà. trong suốt 40 năm qua nhờ sự quan tâmcủa các cấp lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các Hội chữ thập đỏ cấp trên; Hiệp Hội CTĐ - TLLĐ quốc tế; sự phối hợp, giúp đỡ của Mặt trận và các ban, ngành đoàn thể từ trung ương tới cơ sở, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.  Đến nay  toàn huyện có 34 đơn vị Hội chữ thập đỏ cấp xã và tương đương, có hơn 6000 hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên.. , Đây là lực lượng nòng cốt trong việc vận động nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo. Những năm tới, hoạt động nhân đạo, từ thiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức; đặc biệt là sự phân hoá giàu - nghèo, thiên tai, dịch bệnh... Qua đó không ngừng nâng cao hoạt động của Hội, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội.